Doanh nghiệp, hợp tác xã hào hứng tham gia
Phát biểu khai mạc sự kiện, bà Lê Thị Hồng Anh - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Sơn La thông tin, Sơn La là tỉnh miền núi nằm ở trung tâm phía Tây Bắc Việt Nam, với diện tích tự nhiên trên 14 nghìn km², gồm 12 đơn vị hành chính. Đây là tỉnh có diện tích lớn thứ 3 của cả nước, chiếm 39% diện tích vùng Tây Bắc và bằng 4,15% tổng diện tích tự nhiên toàn quốc. Trung tâm hành chính tỉnh Sơn La cách Thủ đô Hà Nội 302 km về phía Tây Bắc. Dân số toàn tỉnh Sơn La khoảng 1,3 triệu người, với 12 dân tộc anh em cùng sinh sống.
Bà Lê Thị Hồng Anh - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Sơn La phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Hoàng Lan
Năm 2024, toàn tỉnh có 188 sản phẩm OCOP (tăng 34 sản phẩm so với năm 2023); có 7 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (tăng 2 vùng so với năm 2023). Tỉnh duy trì, phát triển 308 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn; 29 sản phẩm nông sản, thủy sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ và 2 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ tại nước ngoài.
Các sản phẩm nông sản đã tham gia vào chuỗi cung ứng của các hệ thống phân phối lớn trong nước như: Sài Gòn Co.op, GO!, Winmart, Winmart+; tiêu thụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử: Sendo, Voso, Postmart, Shopee. Đã có 17 sản phẩm nông sản tỉnh Sơn La xuất khẩu sang thị trường 21 nước, như: Mỹ, Úc, Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, UAE...
Riêng sản phẩm quả mận hậu, năm 2025 ước sản lượng khoảng 100.000 tấn. Không chỉ lớn về diện tích, sản lượng mà chất lượng mận Sơn La cũng ngày càng được khẳng định. Hầu hết diện tích trồng mận đã và đang được chăm sóc, thu hoạch theo quy trình sản xuất an toàn như VietGAP, GlobalGAP và sản xuất theo hướng hữu cơ.
Lễ cắt băng khai mạc Tuần lễ mận và nông sản, thực phẩm an toàn tỉnh Sơn La tại Hà Nội năm 2025. Ảnh: Hoàng Lan
Bà Lê Thị Hồng Anh cũng cho biết, sự kiện Tuần lễ mận và nông sản, thực phẩm an toàn tỉnh Sơn La tại Hà Nội năm 2025 được tổ chức ngày hôm nay chính là sự thể hiện cụ thể nhất cho sự giúp đỡ của Thành phố Hà Nội với tỉnh Sơn La. “Tỉnh Sơn La trân trọng cảm ơn, coi đây là một cơ hội tốt đưa sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm an toàn của tỉnh kết nối vào thị trường Thủ đô. Từ đó, đến với các thị trường trong nước và xuất khẩu, tạo đột phá trong tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân”, bà Lê Thị Hồng Anh bày tỏ.
Tuần lễ mận và nông sản, thực phẩm an toàn tỉnh Sơn La tại Hà Nội năm 2025 có quy mô 30 gian hàng, với sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Sơn La tham gia trưng bày. Tuần lễ được tổ chức với mong muốn sẽ trở thành một điểm đến uy tín, nơi giới thiệu các sản phẩm đặc sản đặc trưng có chất lượng của tỉnh Sơn La.
Tiếp tục triển khai nhiều hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản
Theo thông tin từ ban tổ chức, trong khuôn khổ tuần lễ, ban tổ chức sẽ trưng bày, quảng bá, giới thiệu đến người dân thành phố Hà Nội sản phẩm mận và các sản phẩm nông sản an toàn của tỉnh Sơn La đảm bảo tiêu chuẩn chứng nhận an toàn thực phẩm, VietGAP, GolbalGAP, Organic.
Nông sản Sơn La thu hút người tiêu dùng Thủ đô. Ảnh: Hoàng Lan
Qua sự kiện lần này, tỉnh Sơn La hy vọng sản phẩm nông sản an toàn tỉnh Sơn La nói chung và sản phẩm mận nói riêng sẽ được nhiều người dùng trong nước biết đến. Qua đó, kích cầu tiêu dùng, góp phần tạo thị trường tiêu thụ ổn định cho nông sản an toàn của tỉnh Sơn La, giúp bà con nông dân có thu nhập kinh tế, ổn định đời sống các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La.
Chương trình này cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp và địa phương quảng bá sản phẩm đặc sản tới người tiêu dùng, du khách trong và ngoài nước, tham gia chuỗi cung ứng, tiêu thụ hiệu quả tại thị trường Thủ đô. Đây cũng là nơi để các nhà phân phối tìm kiếm, lựa chọn nguồn cung cấp hàng hóa, tạo cơ hội để các đơn vị kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn với hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản.
Nông sản sạch Sơn La tại tuần lễ. Ảnh: Hoàng Lan
Chia sẻ bên lề sự kiện, bà Lê Thị Hồng Anh, chia sẻ, Sơn La có thổ nhưỡng khí hậu thuận lợi cho các loại nông sản sinh trưởng, do đó, địa phương có sản lượng nông sản lớn.
Để đảm bảo đầu ra cho bà con, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh Sơn La, trung tâm tổ chức nhiều sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ cho bà con. Ngoài sự kiện hôm nay, từ nay đến cuối năm, trung tâm tiếp tục triển khai nhiều sự kiện tương tự tại Hà Nội, Hải Phòng nhằm giới thiệu và đưa nhiều hơn nữa nông sản an toàn của tỉnh Sơn La tới người tiêu dùng của hai thành phố lớn nói riêng và cả nước nói chung.
Năm 2025, Sơn La dự kiến đạt sản lượng 100.000 tấn mận. Ảnh: Hoàng Lan
Bên cạnh việc hỗ trợ tiêu thụ, lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Sơn La cho biết, các cấp chính quyền tỉnh Sơn La cũng hỗ trợ bà con trên địa bàn tỉnh đầu tư máy móc, thiết bị chế biến sâu nhằm tăng giá trị cho nông sản địa phương và tăng thu nhập cho bà con, tránh cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.